Ngành dệt may dốc sức bứt phá  

Khi đồng loạt các nhà máy sớm khai xuân đầu năm, người lao động quay trở lại làm việc với tỷ lệ khá cao, ngành dệt may phấn đấu trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023…

图片[1]-Ngành dệt may dốc sức bứt phá  -Tư vấn Việt

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023 xuất khẩu dệt may đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Mặc dù vậy, điểm nổi bật của ngành dệt may trong năm qua là sự bứt phá về thị trường. Ngoài các thị trường truyền thống, Việt Nam đã xuất khẩu một lượng đáng kể hàng dệt may sang Canada, Trung Quốc, Anh, Australia, Nga, Thái Lan, Ấn Độ…

Sang năm 2024, thị trường dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, hai tháng đầu năm, nhóm hàng dệt may đạt 5,2 tỷ USD xuất khẩu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4 trong nhóm mặt hàng có kim ngạch cao nhất cả nước.

XUẤT HIỆN ĐIỂM SÁNG NHƯNG CHƯA HẾT KHÓ KHĂN

Năm 2023, trong khi nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động để tiết kiệm chi phí, Tổng công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) vẫn duy trì việc làm và thu nhập ổn định 9,4 triệu đồng/người/tháng cho 18.000 lao động. Năm 2024, TNG dự kiến nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân, bắt đầu từ tháng 3/2024. Đồng thời, Công ty sẽ dịch chuyển hai nhà máy may Việt Đức và Việt Thái vào trong khu công nghiệp Sơn Cẩm nhằm tăng tính liên kết với các nhà máy phụ trợ, qua đó cải thiện hiệu suất tổng thể.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư – Thương mại – Dệt may Thành Công (TCM) gần như đã chạy hết công suất trở lại khi đã nhận khoảng 98% đơn hàng cho quý 1 và bắt đầu đón nhận những đơn hàng của quý 2/2024. Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT của TCM, cho biết tình hình đơn hàng sản xuất đã có sự cải thiện những tháng gần đây. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là Mỹ, thường chiếm hơn 50% kim ngạch. Do đó, theo ông Tùng, sự phục hồi của ngành dệt may phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Là doanh nghiệp nhỏ và vừa, Công ty TNHH May mặc Dony (Bình Chánh, TP.HCM) đã có đơn hàng đến hết tháng 4 với khách hàng từ Mỹ, Singapore, Campuchia, Malaysia… Số lượng hàng xuất của công ty tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và doanh nghiệp đang đàm phán cho đơn hàng tới tháng 8 năm nay. Mục tiêu của công ty năm nay là tăng trưởng 15%. “Mới đây, khách hàng Trung Đông có hẹn báo giá cho đơn hàng số lượng khoảng 2 container 40 feet. Đây là hứa hẹn khởi đầu tốt cho năm 2024”, ông Phạm Quang Anh cho biết.

Trái ngược với bức tranh đang dần sáng màu của ngành dệt may, vẫn còn đó những công ty rơi vào cảnh khó khăn, không có đơn hàng, cho công nhân nghỉ việc  gần hết. Cụ thể, Công ty CP May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) khép lại năm tài chính 2023 với doanh thu gần 8,3 tỷ đồng, giảm 97% so với năm 2022 và lỗ sau thuế gần 52 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đã lỗ trong 6 quý liên tiếp. Garmex Sài Gòn cho biết công ty hiện không có đơn hàng, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy thì công ty sẽ lỗ rất nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp này đã tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.

Cũng như Garmex Sài Gòn, hoạt động kinh doanh của Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) càng thêm khó khi xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán với “gã khổng lồ” Amazon. Nhờ lãi quý 4 đột biến, Công ty thoát được một năm thua lỗ khá ngoạn mục, với lãi ròng cả năm đạt 28 tỷ đồng, nhưng giảm mạnh 92% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của GIL trong 17 năm qua, kể từ năm 2007.

Tương tự, Công ty TNHH Hansae Việt Nam – doanh nghiệp chuyên gia công đồ may mặc thể thao xuất khẩu tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM) cũng cắt giảm lao động từ gần 11.000  xuống còn khoảng 2.500 công nhân. Dù đứng ngoài làn sóng sa thải, nhưng Vinatex buộc phải hy sinh lợi nhuận, cổ tức để giữ chân 62.000 lao động và đảm bảo lương không giảm quá sâu…

THE END