Năm 2023, quy mô thương mại giữa Sơn Đông (Trung Quốc) và Việt Nam đạt 10,9 tỷ USD. Với quy mô thị trường và những thế mạnh mang tính bổ sung lẫn nhau, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên còn rất nhiều dư địa để khai thác trong thời gian tới…
Ngày 13/3, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam – Trung Quốc (Sơn Đông)”.
Sự kiện có sự tham gia của 86 doanh nghiệp của tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) và 130 doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, xuất, nhập khẩu, nông sản, thực phẩm chế biến, logistics, xây dựng, đầu tư tham dự và kết nối giao thương.
TIỀM NĂNG HỢP TÁC KINH TẾ CÒN LỚN
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại cho rằng năm 2023, Trung Quốc đã liên tục hơn 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc trong năm 2023.
Trong tổng thể hợp tác với Trung Quốc, Bộ Công Thương Việt Nam rất coi trọng vai trò của tỉnh Sơn Đông – địa phương đầu tàu trong phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Năm 2023, quy mô thương mại giữa Sơn Đông và Việt Nam đạt 10,9 tỷ USD, đứng thứ 8 trong số các địa phương Trung Quốc có quan hệ thương mại với Việt Nam và chiếm khoảng 4,8% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc.
“Với quy mô thị trường và những thế mạnh mang tính bổ sung lẫn nhau giữa hai bên, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Sơn Đông còn rất nhiều dư địa để khai thác. Đặc biệt, trong xu thế liên kết chuỗi cung ứng trong khu vực hiện nay, tiềm năng, nhu cầu hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và Sơn Đông còn rất lớn”, ông Phú nhấn mạnh.
Sơn Đông là địa phương có quy mô kinh tế và dân số lớn (GRDP xếp thứ 3, dân số xếp thứ 2 Trung Quốc) là một thị trường đầy tiềm năng, đồng thời có vị trí địa lý ưu việt, mang tính kết nối toàn diện với khu vực phía Bắc của Trung Quốc và thế giới, có sự phát triển nổi bật với những chiến lược trọng điểm như phát triển xanh, xây dựng địa phương mạnh về kinh tế biển…
Theo ông Phú, Việt Nam là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN theo cả hai hướng đường bộ và đường biển, có lợi thế cạnh tranh nổi bật, hội tụ các điều kiện trở thành điểm đến đầy lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút nguồn FDI thế hệ mới, đồng thời cũng là điểm đến tiềm năng trong qua trình dịch chuyển và tái cấu trúc chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Đồng tình, ông Tống Quân Kế, Phó tỉnh trưởng chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông nhận định, hai bên có rất nhiều tiềm năng cũng như không gian lớn để hợp tác cùng có lợi. Sơn Đông coi thương mại là động lực mới. Việt Nam – Sơn Đông (Trung Quốc) có lợi thế bổ trợ nhau rất lớn về thương mại kể thương mại điện tử.
Ông Vương Quần, Công sứ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng cho rằng đứng trước môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp, kinh tế thế giới không ít khó khăn nhưng hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc – Việt Nam đã thể hiện sức bền rõ nét khi Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là đối tác đầu tư lớn thứ 4 của Việt Nam vào năm 2023. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Asean và lớn thứ 5 trên toàn thế giới.
Với việc Hiệp định RCEP có hiệu lực cũng như các hiệp định thương mại song phương, quan hệ hợp tác kinh tế hai bên sẽ không ngừng nâng cao, ngày càng chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, chuỗi cung ứng, logistics ngày càng thực chất, tạo ra động lực mới cho kinh tế khu vực và thế giới.
CHÍNH PHỦ HAI BÊN CẦN ỦNG HỘ, TẠO THUẬN LỢI HƠN
Tuy nhiên để khai thác, phát huy hiệu quả hơn nữa những tiềm năng, nhu cầu của cả hai bên, ông Phú trân trọng đề nghị chính quyền tỉnh Sơn Đông quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Sơn Đông tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại được tổ chức tại các địa phương Việt Nam và Sơn Đông.
Qua đó mở rộng hơn nữa quy mô đầu tư, thương mại đối với các mặt hàng chất lượng cao, thế mạnh của mỗi bên, bao gồm trái cây, thủy sản, nông sản, thực phẩm chế biến, đồ uống, hàng dệt may… của Việt Nam cũng như các mặt hàng máy móc cơ khí, điện tử, sản phẩm hóa chất… của Sơn Đông.
Ủng hộ doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành chế biến nông sản, dệt may, năng lượng mới, xe điện, cơ khí, điện tử mà Sơn Đông có ưu thế qua đó giúp nâng cao năng lực cho Việt Nam.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá và xây dựng thương hiệu tại thị trường Trung Quốc đặc biệt là tại các hệ thống phân phối lớn tại Sơn Đông.
Đối với các doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là doanh nghiệp của tỉnh Sơn Đông, đại diện Bộ Công Thương cho rằng cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của mỗi nước thông qua hệ thống các Thương vụ/Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc như tại Bắc Kinh, Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh, Trùng Khánh, Hàng Châu và tới đây là Hải Khẩu, Thành Đô.
Doanh nghiệp hai nước cũng cần tích cực tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế được tổ chức tại mỗi nước như: Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam (Vietnam Expo- tháng 4/2024), Triển lãm quốc tế chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế vào tháng 6/2024 và Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Expo- tháng 11/2024),… để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả.
Đại diện Bộ Công Thương, ông Phú cam kết Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng như của Sơn Đông để làm cầu nối hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai.
“Chúng tôi cam kết luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế nhằm giúp các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, kinh doanh hiệu quả, bền vững tại thị trường Việt Nam, bởi thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi”, ông Phú khẳng định.
Ông Tống Quân Kế cũng đề nghị, hai bên cần tận dụng tốt cơ hội của Hiệp định RCEP, thúc đẩy các chuyến thăm, xúc tiến thương mại lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác thương mại điện tử qua biên giới, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực nông sản, năng lượng, kinh tế số, dệt may, điện tử, cơ điện… “Sơn Đông sẵn sàng mở rộng hơn nữa không gian hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam”, ông Kế nhấn mạnh.