Doanh nghiệp cơ khí, chế tạo quốc tế “nhắm tới” thị trường Việt Nam

Hơn 140 nhà trưng bày các thiết bị, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo đến từ hơn 17 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt tại MTA HANOI 2023 nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác Việt Nam…

图片[1]-Doanh nghiệp cơ khí, chế tạo quốc tế “nhắm tới” thị trường Việt Nam-Tư vấn Việt

Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm và hội thảo Quốc tế lần thứ 9 về cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo (MTA HANOI 2023), ngày 11/10, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho rằng năm 2023, thị trường cơ khí Việt Nam tiếp tục đạt tốc độ phát triển đáng chú ý.

NGÀNH CƠ KHÍ, CHẾ TẠO VIỆT NAM ĐANG TRỖI DẬY

Dữ liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, quý 1/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của nhóm ngành máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đã đạt mức 19 tỷ USD.

Năm 2022, với tỉ lệ tăng trưởng 18%, ngành công nghiệp khuôn mẫu, cơ khí chính xác đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm 8,5% khuôn ép, còn lại là khuôn dập. Do đó, nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn.

Ông Bùi Quốc Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam cũng cho hay, các tỉnh thành phía Bắc đang nhận được nguồn đầu tư mạnh mẽ từ nhiều dự án FDI.

Hà Nội được kỳ vọng là điểm sáng phát triển ngành công nghiệp hàng không của Thủ đô. Đây là một ngành còn hết sức mới mẻ và còn rất nhiều tiềm năng ở Việt Nam, hiện chưa có nhiều nhà sản xuất, cung cấp có đủ năng lực để tham gia vào chuỗi OEM cho các hãng sản xuất máy bay.

Cuối năm vừa qua, Samsung cũng đã khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội. Các tỉnh thành vệ tinh khác như Bắc Ninh, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng,… cũng nhận được sự ưu ái về chính sách và đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây.

Dự thảo quy hoạch mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xác định Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, sản xuất thông minh, logistics của Việt Nam và vùng Đông Nam Á, trở thành thủ phủ chất bán dẫn của nước ta.

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp có đủ điều kiện phát triển trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh.

Tại Chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc bộ năm 2023”, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam, đặc biệt là trong vực sản xuất, chế tạo. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy sự phát triển vượt bậc trong tương lai không xa của ngành cơ khí khu vực phía Bắc.

Ông William Lim, Giám đốc Thương hiệu lĩnh vực sản xuất chế tạo và máy móc, thiết bị khu vực châu Á (Informa Markets) cũng đánh giá, ngành cơ khí, sản xuất là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Với chính sách thuế ổn định, chi phí lao động cạnh tranh cùng các hiệp định thương mại tự do đa phương, Việt Nam đang trỗi dậy như một cường quốc sản xuất mạnh mẽ tại châu Á.

Năm 2022, ngành sản xuất tại Việt Nam chiếm 24,76% tổng GDP của cả nước, đạt giá trị hơn 2,3 triệu tỷ đồng. Đây cũng là ngành chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu lao động của cả nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất, thông qua việc đổi mới công nghệ, tăng cường các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Sự xuất hiện của các thương hiệu điện tử và công nghệ hàng đầu thế giới như SAMSUNG, INTEL, LG, FOXCONN, CANON, PANASONIC, NOKIA, APPLE, VIVO, OPPO, XIAOMI, QUALCOMM và MICROSOFT tại Việt Nam đã thể hiện tiềm năng phát triển lớn mạnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu của thị trường này.

Hiện tại, Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới về sản xuất điện thoại di động, sau Trung Quốc – quốc gia đứng vị trí thứ nhất và Ấn Độ đứng thứ hai.

Việt Nam đang khẳng định vị thế là một trung tâm sản xuất ô tô quan trọng ở châu Á, với sự quy tụ các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô lớn như Wuling HongGuang, Yadea, Skoda và Hyundai hay thương hiệu Việt – VinFast. Năm ngoái, nhà sản xuất xe điện Việt Nam VinFast đã xuất khẩu thành công lô xe điện thông minh đến Hoa Kỳ.

CƠ HỘI NHÀ CUNG CẤP QUỐC TẾ VÀ DOANH NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG GẶP NHAU

Trước tiềm năng vô cùng lớn của ngành cơ khí, chế tạo, ông William Lim cho rằng MTA HANOI 2023 sẽ tạo một không gian triển lãm mở nhằm kết nối nhà cung cấp quốc tế với các doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương.

MTA HANOI 2023 thu hút hơn 140 nhà trưng bày đến từ hơn 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong số đó, có tới 74% nhà trưng bày đến từ nước ngoài. Đặc biệt, có các nhóm gian hàng quốc tế đến từ Hàn Quốc, Đài Loan.

Ông BT Tee, Tổng Giám đốc công ty Informa Markets Việt Nam nhận định, được xem là một khu vực có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ và vị trí địa lý trọng yếu, các tỉnh phía Bắc Việt Nam là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của nhiều nhà máy sản xuất lớn trên thế giới.

Nhờ vào mạng lưới vận tải phát triển, chiến lược ngoại giao tích cực và lợi thế chi phí, nhiều hãng công nghệ và nhà sản xuất linh kiện điện tử quốc tế đã quyết định đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc.

“MTA HANOI 2023 sẽ là một cơ hội quan trọng để doanh nghiệp cung ứng quốc tế và nhà sản xuất trong khu vực gặp gỡ, quảng bá, tạo tiền đề cho nhiều đơn đặt hàng mới”, ông BT Tee nhấn mạnh.

Đây có thể coi là bước đệm quan trọng cho lộ trình phát triển của ngành công nghiệp sản xuất tại khu vực, đóng góp mạnh mẽ vào nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành ở mức 5-6% vào năm 2023.

Bên cạnh đó, triển lãm còn mở ra cơ hội để đội ngũ nhân sự hoạt động trong lĩnh vực cơ khí có thể cập nhật các xu hướng mới nhất trong ngành, thông qua chuỗi hội thảo được dẫn dắt bởi những chuyên gia hàng đầu.

Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, chương trình tập trung vào các vấn đề quan trọng như công nghệ sản xuất chip bán dẫn, quá trình số hóa và chuyển đổi công nghệ, ứng dụng AI/IoT/Deep Learning vào sản xuất… sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp chế tạo nội địa, hướng đến thị trường quốc tế.

THE END