Với nhiều doanh nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp khắc phục những hạn chế về chất lượng sản phẩm, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu… để từ đó hình thành nền nông nghiệp hiện đại, đem lại giá trị và thu nhập cao…
Theo ước tính, khoa học và công nghệ đã đóng góp khoảng trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua. Chính nhờ khoa học và công nghệ mà tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của cả nước. Dự kiến giai đoạn tới, khoa học và công nghệ sẽ đóng góp trên 50% tổng mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp, do đó cần huy động mọi nguồn lực đầu tư trong một số lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.
NHIỀU DOANH NGHIỆP NỖ LỰC THAM GIA CUỘC ĐUA
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và kinh doanh nông sản. Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Tam Hưng, ông Đỗ Văn Kiên: HTX đã ứng dụng công nghệ vào quản lý, giám sát vùng sản xuất trên quy mô 20ha trồng lúa. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng, thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc đều được ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử Egap… Hiện nay, sản phẩm gạo của HTX đều được dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc và kết nối giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.
Tương tự, mô hình trồng dưa vàng 5 sao trong nhà màng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP của nông trại Phúc Bách (huyện ứng Hòa) cũng rất thành công. Nông trại ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc bằng quét mã QR và có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Theo ông Nguyễn Phúc Bách, chủ nông trại, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tư vốn nhiều nhưng bù lại trong quá trình sản xuất không gặp nhiều rủi ro từ thời tiết, sản phẩm bảo đảm an toàn, giá trị kinh tế cao.
Tại hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đông Nam bộ tại tỉnh Bình Dương mới đây, đại diện các doanh nghiệp, HTX phía Nam cũng đã chia sẻ nhiều ứng dụng tiến bộ công nghệ phục vụ cho nông nghiệp. Ông Đặng Dương Minh Hoàng, chủ nhiệm HTX nông nghiệp số Bình Phước, cho biết HTX đang thực hiện dự án áp dụng công nghệ nano nhằm phát triển bền vững cho cây tiêu. Phát triển ứng dụng trên thiết bị di động kết hợp với nền tảng IoT nhằm tự động hóa quá trình canh tác, định danh cây bơ để đưa nông nghiệp trải nghiệm đến với số đông người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng…
Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai) đã mạnh dạn chuyển các hoạt động cho ăn, uống nước, uống thuốc, úm gà… sang tự động hóa. Năm 2023, ông Quyết tiếp tục ứng dụng khoa học và công nghệ vào chăn nuôi, từ đó lịch trình, công đoạn từng lứa gà được lên trước cả năm, gửi đến chủ trang trại, nhà cung cấp giống, thức ăn, thuốc để các bên cùng thực hiện. Theo ông Lê Văn Quyết, hiện chuỗi liên kết nuôi gà trong chuồng lạnh của HTX cung cấp cho thị trường xuất khẩu với tổng đàn gà thịt lên đến 2 triệu con/năm.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc – một doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiên phong trong nuôi trồng đông trùng hạ thảo, các công ty có định hướng phát triển thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao hiện gặp rất nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu. Đầu tiên, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng, thiết bị và công nghệ mới. Điều này có thể tạo ra áp lực tài chính đối với công ty.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh đòi hỏi công ty phải có đội ngũ nhân lực có kỹ năng và kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao. Việc tìm kiếm, thu hút và đào tạo nhân sự phù hợp cũng gặp khó khăn và đòi hỏi thời gian và nguồn lực… Đặc biệt, để được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì doanh nghiệp phải trải qua quá trình thẩm định hồ sơ với nhiều thủ tục và quy định còn khá phức tạp, rườm rà…