Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 – Vietnam Economic Scenarios (VESF) lần thứ 16 sẽ được tổ chức với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Bộ Ngoại giao phối hợp cùng tổ chức.
Diễn đàn được VnEconomy khởi xướng từ năm 2008 với mục tiêu phụng sự hành trình phát triển của Việt Nam và phục vụ nhu cầu kết nối và trao đổi thông tin của cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.
Qua 15 năm, Diễn đàn VESF đã trở thành kênh thông tin uy tín, thu hút và hội tụ sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là giới chuyên gia kinh tế quốc tế, trong nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Diễn đàn VESF lần thứ 16 có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan nhà nước gồm: Bộ Ngoại giao, Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng đại diện các ủy ban của Quốc hội; cục, vụ, viện các bộ ngành trung ương, các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp…
Năm 2023 khép lại với một hành trình nhiều khó khăn và chông gai với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Lạm phát cao, lãi suất tăng và tăng trưởng chậm là những vấn đề nổi cộm của kinh tế toàn cầu năm 2023, trong đó, áp lực lạm phát luôn thường trực và bủa vây nhiều nền kinh tế lớn. Trong bối cảnh suy giảm tổng cầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và thương mại của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Vượt qua gian khó, Việt Nam giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn khi CPI cả năm tăng 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra; lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất. Dù không đạt mục tiêu đặt ra nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế năm 2023 của nước ta duy trì đà tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Tính chung cả năm 2023, GDP tăng 5,05% so với năm trước.
Năm 2024 được nhận định là năm thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Một số động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ dấu hiệu giảm tốc do tốc độ phục hồi kinh tế thế giới chậm, đặc biệt tại các thị trường chủ yếu về xuất khẩu và thương mại của Việt Nam.
Tuy nhiên, những cơ hội mới lại mở ra từ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các xu hướng tất yếu mới được đánh giá có khả năng tạo động lực mạnh mẽ hơn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam như: đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trong đó có công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp hướng tới net-zero…
Để nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2023 và phác hoạ triển vọng năm 2024, Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 sẽ được tổ chức với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”.
Các chuyên gia kinh tế quốc tế và Việt Nam cùng với các quỹ đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp và ngân hàng sẽ tham gia diễn đàn và đưa ra những đánh giá độc lập, đa chiều từ xu hướng tới thực tiễn phù hợp điều kiện của Việt Nam trong mối tương quan với bối cảnh phát triển của khu vực và thế giới.
Diễn đàn cũng đề cập và phân tích các cơ chế, chính sách hiện hành của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy thực thi các động lực tăng trưởng mới. Sự tham gia trao đổi và phản hồi của đại diện các ban, bộ, ngành sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, xác thực thông tin.
Diễn đàn sẽ có 3 bài tham luận quan trọng của đại diện đến từ Ngân hàng UOB tại Việt Nam, Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Ngân hàng HSBC về kinh tế Việt Nam năm 2023, triển vọng 2024 gắn với việc phát huy các động lực tăng trưởng mới.
Diễn đàn sẽ dành phần lớn thời gian cho 2 phiên thảo luận.
Phiên thảo luận 1 có chủ đề: “Bối cảnh quốc tế mới: Thách thức và động lực tăng trưởng mới đối với Việt Nam”.
Điều hành phiên thảo luận: Đại sứ Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Khách mời thảo luận:
– Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam;
– Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC;
– Ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB;
– Ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam;
– Bà Minh Đặng, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Dragon Capital.
Phiên thảo luận 2 có chủ đề: “Thúc đẩy cơ chế chính sách, phát huy nội lực và thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”.
Điều hành phiên thảo luận: GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội.
Khách mời thảo luận:
– Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
– Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam;
– Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội;
– Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký – Trưởng Ban Pháp chế VCCI;
– Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS);
– Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham Việt Nam.
Ngoài ra, tham gia đối thoại trong phiên thảo luận còn có đại diện các bộ, ngành cùng các chuyên gia kinh tế, đại diện hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 – Vietnam Economic Scenarios (VESF) lần thứ 16 với chủ đề: “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” sẽ được livestream trên nền tảng VnEconomy.vn, FanPage VnEconomy vào lúc 08h15 ngày 11/01/2024; và được cập nhật liên tục tại: http://vesf.vetmedia.vn/