Nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu thế giới; nhiều doanh nghiệp vốn đầu nước ngoài (FDI) tin chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn… là minh chứng cho thấy Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất của toàn cầu.
Hàng Việt xuất khẩu top đầu thế giới
Báo cáo đánh giá các ngành sản xuất trong nước của Bộ Công Thương cho thấy, những năm gần đây, Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thâm nhập sâu vào thị trường thế giới với kim ngạch liên tục gia tăng. Cùng với đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn đã góp phần tăng vị thế của hàng Việt trên trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới về da giày, thứ 3 về dệt may và thứ 5 về gỗ, sản phẩm từ gỗ. Việt Nam cũng là nhà cung ứng trong top 3 thế giới về cà phê; thứ nhất về hạt điều và hạt tiêu; thứ ba về gạo. Cung ứng nguồn hàng dồi dào ra thế giới, Việt Nam đã vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Tại sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, các tập đoàn hàng đầu thế giới như: Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Mỹ); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thụy Điển)… cùng hàng trăm doanh nghiệp, nhà thu mua quốc tế tới từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đã trực tiếp tham gia mua hàng hóa của Việt Nam. Các tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn có chung nhận định Việt Nam là địa điểm chiến lược trong việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cơ hội là rất lớn, song thách thức đặt ra cũng không ít. Bởi bên cạnh các mặt hàng đã thâm nhập vào các thị trường lớn, khó tính với thị phần còn khiêm tốn, vẫn còn nhiều mặt hàng Việt Nam chưa đáp ứng tiêu chí về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, chưa thu hút về bao bì, nhãn mác; nhất là các tiêu chí mới đây về môi trường, cắt giảm phát thải cacbon, chống suy thoái rừng… của một số thị trường.
Cứ điểm sản xuất mới của toàn cầu
Cuối năm 2022, Sam Sung Việt Nam đã khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Samsung tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Trung tâm có quy mô đầu tư 220 triệu USD, được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm, với tổng diện tích xây dựng hơn 11.600m2 và diện tích sàn trên 79.500m2; là tòa nhà cao tầng có quy mô lớn chuyên về phát triển công nghệ đầu tiên tại Việt Nam được thành lập bởi một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tuần qua, Ban Quản lý Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cũng vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án cho Công ty TNHH Inventec Techlonogy Việt Nam tại khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, giai đoạn 1 (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Dự án có quy mô 16,1 ha, tổng vốn đầu tư 125 triệu USD. Theo đó, nhà máy của Công ty TNHH Inventec Techlonogy Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu như: Điện thoại thông minh, máy chủ, thiết bị ngoại vi máy tính; bảng mạch điện tử, đầu chuyển các thiết bị thông minh khác.
Đó chỉ là 2 trong số hàng nghìn dự án đầu tư vào Việt Nam cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội để Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất lớn của khu vực.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các “ông lớn” trên thế giới. Tuy nhiên, việc tận dụng được cơ hội vẫn là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhận định, khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu là không đáp ứng được giá theo yêu cầu do chi phí sản xuất cao. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên chỉ đáp ứng được đơn hàng nhỏ, còn với đơn hàng lớn khó có khả năng đáp ứng đúng hạn và thiếu các công đoạn gia công có chất lượng…
Đáng nói, gần 60% số doanh nghiệp FDI cho rằng rất khó đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa để có thể hưởng các ưu đãi thương mại do gặp phải các vấn đề về chất lượng hay năng lực của doanh nghiệp trong nước.