Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc

Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, nhiều năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững. Triển vọng, tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn, nhất là khi nền kinh tế của hai nước có tính bổ sung lẫn nhau và xu thế phát triển của kinh tế thế giới đang hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Giữ vững tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn

Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Chiều dài biên giới đường bộ gần 400km, đi qua địa phận 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Đặc điểm này mang lại cho hai nước lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu. Cùng với đó, trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn.

Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản… và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng…

Nhiều năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với thế giới, đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

图片[1]-Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc-Tư vấn Việt

Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tới nay, các hoạt động về kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc đã sôi động trở lại, nhiều cửa khẩu hoạt động như thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Một số cửa khẩu đã ứng dụng công nghệ giúp tần suất thông quan tốt hơn, góp phần thúc đẩy thương mại biên giới trở nên tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương truyền thống giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc được khôi phục với nhiều hình thức đa dạng. Kinh tế-xã hội của các địa phương vùng biên cũng có nhiều khởi sắc.

Dẫn thống kê của Hải quan Việt Nam, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%; nhập siêu ở mức 60,1 tỷ USD, tăng 10,18%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, xuất nhập khẩu đi thị trường Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng khả quan. Trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt hơn 155 tỷ USD.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2% (là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực đều giảm), chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.

Triển vọng phát triển

Trung Quốc với quy mô dân số lớn nhất thế giới nên nhu cầu tiêu dùng rất lớn và là thị trường xuất khẩu hấp dẫn với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, tham gia ký kết nhiều FTA quan trọng, tạo sức hút thúc đẩy thương mại phát triển. Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn cho hàng hóa Trung Quốc vì điều kiện kinh tế tương đồng, văn hóa tiêu dùng và chi phí vận chuyển thấp.

Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại hai chiều, bà Nguyễn Thị Hường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đã vận động phía Trung Quốc hoàn thiện các điều kiện để bổ sung thêm các cặp cửa khẩu được xuất nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc, trong đó có cả cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai-Hà Khẩu. Thông qua những cuộc trao đổi, Việt Nam và Trung Quốc đã có những ký kết tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển thương mại cửa khẩu hai nước.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại hai nước, các cơ quan chức năng liên quan cần chú trọng công tác tuyên truyền, kết nối giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, địa phương ở nước ngoài. Đặc biệt là các chủ trương, chính sách lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, giao lưu hàng hóa để phổ biến cho các địa phương. Các địa phương biên giới cũng phải phổ biến, trao đổi, thông báo đến các địa phương, vùng nguyên liệu, vùng trọng điểm xuất khẩu hàng hóa về những chủ trương, chính sách lớn trong lĩnh vực thương mại phía nước bạn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý, bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc, việc nhập khẩu hàng hóa từ phía Trung Quốc rất quan trọng vì liên quan đến nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi giao thương thông thoáng trong cả xuất khẩu và nhập khẩu; quan tâm đến cơ sở hạ tầng; cơ cấu lại thương mại biên giới.

Nhiều ý kiến cho rằng, áp lực cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc ngày càng lớn khi nhiều nước cũng tập trung khai thác, mở rộng thị phần tại thị trường quan trọng này. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần nắm bắt rõ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi; trong đó cần quan tâm ưu tiên hàng đầu tới chất lượng và chú trọng chuyển đổi xuất khẩu từ hình thức tiểu ngạch sang chính ngạch. Đây là xu thế tất yếu, đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa bắt buộc phải thay đổi và thích ứng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong thời gian qua, hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, đặc biệt giữa các địa phương của hai nước có chung đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc đã có những khởi sắc. Quan hệ hợp tác và phối hợp cộng tác giữa hai bên tiếp tục được củng cố, mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ, trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, cần tăng tốc xuất khẩu chính ngạch, giảm tiểu ngạch để có thương mại bền vững.

Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của lãnh đạo hai nước về hợp tác toàn diện, hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kinh tế thương mại biên giới. “Chúng ta cần xác định Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, thị trường tiêu thụ lớn và đây cũng là thị trường cung ứng phần lớn các nguyên liệu cho ngành sản xuất của Việt Nam để xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Nêu đề xuất cụ thể với các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, các địa phương cần tập trung rà soát và hoàn thiện quy hoạch tỉnh, hướng tới đồng bộ hóa, nhất là vấn đề giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong vùng theo quy hoạch vùng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và ban hành những cơ chế, chính sách của địa phương nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực biên giới, nhất là hạ tầng kinh tế thương mại, khu vực biên giới như các chợ, các trung tâm logistics, kho bãi… Các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh biên giới khẩn trương rà soát quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức lại sản xuất, chế biến theo đề án xuất khẩu chính ngạch.

Với các bộ, ngành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đàm phán với phía bạn nhằm sớm ký kết nghị định thư về kiểm dịch động thực vật cho nông sản có thế mạnh của Việt Nam, đàm phán cấp mới mã số nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam có thế mạnh.

Với Bộ Tài chính, trực tiếp là Tổng cục Hải quan, đề nghị tiếp tục phối hợp với các tỉnh biên giới trong việc triển khai xây dựng, áp dụng cửa khẩu thông minh và áp dụng công nghệ trong quản lý các hoạt động thông quan xuất nhập khẩu để nâng năng lực thông quan, đáp ứng được nhu cầu về thương mại biên giới và thực hiện tốt chức năng của mình theo quy định của pháp luật để thuận lợi hóa thương mại khu vực này. Đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp thúc đẩy mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu, mở mới văn phòng xúc tiến thương mại tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc…

THE END