Cơ hội được cho là đang tràn vào thềm nhà các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ khi ngày càng nhiều nhà mua hàng tìm tới Việt Nam như một thị trường thay thế và đối tác mở rộng chuỗi cung ứng.
RX Tradex – đơn vị nhiều năm tư vấn và kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam – thống kê trong năm 2022 có hơn 100 đối tác nhờ tìm kiếm các nhà cung cấp công nghiệp phụ trợ. Đây đều là những đối tác đã xác định rõ mục tiêu và nhắm tới doanh nghiệp Việt Nam để mua hàng, không tính những đơn vị mới bước đầu tìm hiểu thị trường.
Trong năm năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam ngày càng tăng lên. Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng khi sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng cùng những bất cập bộc lộ do chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào đất nước tỉ dân, đặc biệt sau dịch Covid-19. Đây là cơ hội của các doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ 30% trong số các doanh nghiệp đối tác của RX Tradex mua được hàng ở Việt Nam sau khi phải nỗ lực tìm kiếm, trao đổi suốt thời gian dài, theo chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Tài, Tổng giám đốc RX Tradex Việt Nam.
Cần chủ động lột xác
Chuyện nhà mua hàng khó tìm kiếm được đối tác cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu tại Việt Nam không mới. Doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ Việt Nam nhiều năm bị “gắn mác” chỉ làm được những sản phẩm đơn giản như bu lông, ốc vít, không đáp ứng được đòi hỏi công nghệ để tiến sâu, trở thành nhà cung cấp cấp cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Trong một cuộc họp báo về triển lãm công nghiệp hỗ trợ cuối năm 2022, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, chia sẻ doanh nghiệp Nhật Bản rất muốn tìm đối tác tại Việt Nam tuy nhiên họ gặp khó trong việc lựa chọn đối tác đảm bảo yêu cầu chất lượng. Ông Matsumoto Nobuyuki kể, khi đưa mẫu và yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thử, họ đều làm được nhưng trong số 100 sản phẩm nhận về, chỉ 10% đạt tiêu chuẩn.
“Nhật Bản chúng tôi yêu cầu chính xác 99%. Để tham gia vào chuỗi cung ứng Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam phải giải quyết được bài toán không đồng đều trong chất lượng”, vị đại diện JETRO nói.
Theo quy trình trong ngành công nghiệp hỗ trợ, phía mua hàng thường tìm các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhất định đưa ra các yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm, đối tác sản xuất nào có được sản phẩm đạt tiêu chuẩn với mức giá cả hợp lý sẽ được chọn. Ở chiều ngược lại, nhà sản xuất công nghiệp phụ trợ có sản phẩm phù hợp chào hàng ít xảy ra hơn, nếu có, hai bên thường phải ngồi lại để cùng tạo ra một phiên bản vừa vặn.
Khách hàng chỉ đưa đơn hàng và đặt tiền khi chắc chắn doanh nghiệp làm được sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Trong khi đó, để theo được yêu cầu chất lượng, doanh nghiệp phải bỏ ra khoản đầu tư ban đầu cho sản xuất các sản phẩm này, từ công nghệ, máy móc, nhà xưởng, đào tạo nhân viên… Doanh nghiệp lo ngại liệu đầu tư xong có đơn hàng không. Nhưng nếu không đầu tư làm thử, doanh nghiệp nhỏ, chất lượng thấp cũng không thể tiến sâu cung cấp hàng hóa cho các đối tác lớn. Vậy làm việc gì trước?
“Cái lúng túng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn là bài toán con gà – quả trứng trong đầu tư”, ông Nguyễn Trọng Tài nhận xét. Trong khi người mua hàng có rất nhiều lựa chọn, thị trường Trung Quốc vẫn còn đó giá cả cạnh tranh, các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan cũng không ngừng đầu tư phát triển. “Sự cạnh tranh là rất lớn, nếu doanh nghiệp Việt Nam không chịu vận động đi lên là rất khó”, ông Tài nói.
Thực tế, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam nhiều năm qua luôn được coi là ngành ưu tiên phát triển. Chính phủ đưa ra nhiều cơ chế, chính sách và hỗ trợ về vốn để phát triển, đặc biệt là công tác nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Riêng về vốn, mới đây, Bộ Công Thương vừa đề xuất ngân sách cấp bù 3% lãi suất để cho vay công nghiệp hỗ trợ, tối đa 10 năm, đến năm 2030.
TPHCM với cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép thí điểm cũng tiếp tục dùng ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất cho vay kích cầu đầu tư. Chương trình đã được thành phố triển khai trong suốt giai đoạn 2015-2020. Riêng ngành công nghiệp hỗ trợ đã có khoảng hơn 30 dự án tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi với tổng mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 1.300 tỉ đồng.
“Để tiếp cận vốn cũng phải trải qua quy trình lập kế hoạch, quá trình xét duyệt, không hoàn toàn dễ dàng với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Nhưng với các doanh nghiệp có kế hoạch làm ăn bài bản, đầu tư cho sản xuất kinh doanh, điều này cũng không quá khó”, lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên sản xuất các linh kiện ngành sơ mi, rơ móc tại khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè, TPHCM) chia sẻ.
Kết nối là sức mạnh
Bà Sabrina Ánh Trần, Giám đốc Bộ phận mua hàng Công ty TTI Việt Nam – doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị điện – cho biết thách thức doanh nghiệp gặp phải khi mua hàng tại Việt Nam là vấn đề chi phí. Hầu hết các nhà cung cấp đều nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài nên chưa tối ưu được giá thành ở mức hợp lý. Công ty TTI mới chỉ tìm thấy một số chi tiết riêng lẻ tại Việt Nam như tiện, hàn…
“Thời gian tới chúng tôi mong muốn tìm những nhà cung cấp khép kín hoàn toàn, tức họ sản xuất từ A-Z các cấu kiện. Điều này giúp chúng tôi kiểm soát được về mặt chất lượng và có thể hỗ trợ nhà cung cấp về mặt công nghệ để phát triển”, bà Sabrina nói.
Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm với đối tác nước ngoài, ông Nguyễn Trọng Tài chia sẻ cách làm của doanh nghiệp Trung Quốc trong trường hợp khách hàng có nhu cầu về một cụm chi tiết đó chính là kết nối. Khi có đơn hàng, doanh nghiệp nước này chủ động tìm đối tác có thể thực hiện các công đoạn, chi tiết trong cụm để có thể “bán chung”. Hệ sinh thái hoàn chỉnh cung cấp linh kiện và khả năng kết nối, tin tưởng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp giúp sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng và cạnh tranh về giá.
Đây cũng là điều Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đang theo đuổi. Ông Dương Hữu Phúc, thành viên nhóm điều hành VASI phía Nam, cho biết hiệp hội đang kết nối để tạo thành chuỗi hợp tác bán chung khi phần lớn nhu cầu của khách hàng hiện tại là mua sản phẩm hoàn chỉnh hoặc cụm chi tiết.
Tuy nhiên, hiện tại chuỗi sản xuất trong mạng lưới của VASI phía Nam đang đứt gãy, chưa kết nối được với nhau do thiếu doanh nghiệp một số ngành như xi mạ, nhiệt luyện… Ở phía Bắc, VASI đã làm tốt công tác này, một số dự án bán chung của khối nhựa, khối cơ khí… đã cho ra sản phẩm đầu cuối và gửi báo giá cho khách hàng.
Trở ngại lớn đối với các nhóm bán chung này là sự tin tưởng, thấu hiểu giữa các đơn vị chưa cao cùng với việc năng lực của các thành viên chưa đồng đều, trong bối cảnh đơn hàng cho tất cả các doanh nghiệp không đủ. Giải quyết vấn đề đồng đều năng lực thông qua tăng cường hỗ trợ, đào tạo, giao lưu chia sẻ là cách VASI đang làm, theo chia sẻ của ông Phúc.
Tất cả các thành viên cùng thúc đẩy để có niều đơn hàng mới cho nhóm dự án. Khi đó, làm tốt các sản phẩm nhóm chính là cách để đưa vòng xoáy liên kết ngành và từng thành viên đi lên trước thời cơ tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.